Categories: Tin tức

Độc đáo về kiến trúc đình Hàng Kênh

Published by

Trải qua hơn 300 năm lịch sử, đình Hàng Kênh vẫn còn giữ được những nét văn hóa kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách, dáng dấp của đình làng cổ Việt Nam không nhiều nơi có.

Clip: Công trình đình Hàng Kênh có đầy đủ các hạng mục chi tiết như: Đại đình, Sân đình, Nghi môn, và các công trình phụ trợ khác như Tả vu, Hữu vu, Văn Từ… có kiến trúc độc đáo, đậm phong cách, dáng dấp của đình làng cổ Việt Nam. Video: Thu Thủy

Theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau ghi chép, đình Hàng Kênh được xây dựng trên nền của ngôi đền thờ danh tướng Vũ Chí Thắng. Ông là tướng dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương (Trần Quốc Tuấn, 1228- 1300) đánh quân Nguyên Mông xâm lược. Khi đất nước thanh bình, Vũ Chí Thắng trở lại quê hương giúp dân an cư lạc nghiệp. Dân làng tôn ông là “Phúc Thần” và lập miếu thờ phụng.

Đến thời Tự Đức (1851) có sắc phong cho 17 làng xã và 5 tổng của huyện An Dương, phủ Kinh Môn, Hải Dương (trong đó có làng Hàng Kênh), xây dựng các công trình thờ cúng Ngô Quyền (vị vua đầu tiên của nhà Ngô, trị vì từ năm 939- 944, là vị Tổ Trưng hưng của Việt Nam.

Dân làng Hàng Kênh trùng tu ngôi đền thành nơi thờ cúng Ngô Quyền. Thành hoàng làng Vũ Chí Thắng được rước về đền Từ Vũ (đền thờ Thánh họ Vũ), cách đình Hàng Kênh hơn 200m.

Tòa Đại đình gồm Tiền đường, Bái đường và Hậu đường nằm đình Hàng Kênh (quận Lê chân, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Các tư liệu đã ghi chép rằng, Ngô Quyền sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, đời đời làm quan ở đất Đường Lâm. Tương truyền ông tổ bốn đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, người đã chiêu mộ hàng trăm thủ hạ theo Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp anh hùng của Lý Bí chống quân Lương. Ông lập nhiều chiến công được phong làm Thổ Tù và được cha truyền con nối chức tước. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân làm Châu mục châu Đường Lâm. Thần tích Đình Gia Viên ghi chép cụ thể Ngô Quyền sinh 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ.

Ngay từ nhỏ, ông tỏ ra là một người trí dũng song toàn. Khi sống ở quê với cha mẹ và được cha dạy cho thuật bắn cung nỏ, sử dụng gươm giáo, các điều bí mật về binh pháp. Ngô Quyền lớn lên trong lúc đất nước vừa mới giành được quyền tự chủ. Ông đã tiếp nối đời cha ông về việc khẳng định quyền tự chủ, kiên quyết dành và giữ nền độc lập dân tộc. Ông sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất và đã trở thành một vị tướng tài được nhân dân kính mến, quân sĩ khâm phục.

Tòa Hữu vu nằm trong khuôn viên sân đình Hàng Kênh (quận Lê chân, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Công trình đình Hàng Kênh có đầy đủ các hạng mục chi tiết như: Đại đình, Sân đình, Nghi môn, và các công trình phụ trợ khác như Tả vu, Hữu vu, Văn Từ.

Tòa đại đình có kết cấu 7 gian với kiến trúc trọng yếu, quy mô bề thế. Phần mái tòa Đại đình được lợp ngói mũi hài đầu đao cong vút. Bộ khung được làm từ 42 cột gỗ lim cao 5m, chu vi mỗi cột gần 2m tạo nên sự chắc chắn và khả năng chịu lực cao. Phía trước Nghi môn đình Hàng Kênh là ao đình hình bán nguyệt. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Hai cổng phụ có mái phía trên với 2 tầng mái, 8 mái. Nghi môn đình gắn liền với tường bao quanh đình. Sân đình Hàng Kênh rộng, được lát bằng gạch Bát Tràng, xung quanh sân có hệ thống tường xây thấp, dạng tường hoa. Hai bên sân là hai tòa Tả vu, Hữu vu, đặt trên bệ nền cao 3 bậc so với mặt sân. Hai tòa có hình dáng giống nhau, gồm 3 gian, 2 chái, đầu hồi bít đốc, 2 mái; đầu hồi nhô ra hai trụ biểu (tại hàng hiên); 3 gian giữa là cửa bức bàn, 2 gian phía hồi xây tường có trổ lỗ thoáng hình tròn.

Hồ Bán Nguyệt – nơi tổ chức các tiết mục múa rối nước trong các ngày hội tại đình Hàng Kênh (quận Lê chân, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Đặc biệt, tại đây có công trình Văn Từ hay Văn Miếu nằm bên phải của đình, gồm tòa Tiền tế và Hậu cung. Hậu cung là nơi thờ Khổng Tử và ban thờ của một số vị Nho học nổi tiếng như Chu Văn An (1292- 1370, Văn Trinh Công, được đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt); Nguyễn Bỉnh Khiêm (quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng, 1491- 1585, trạng nguyên, Trình Quốc Công, nhà tiên tri); Trần Tất Văn (quê Kiến An, Hải Phòng, 1428 – 1527, Trạng nguyện, Thượng thư); Lê Ích Mộc (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng, 1458- 1583, Trạng nguyên, Tả thị lang).

Khung chịu lực bằng gỗ lim, có 42 cột tại đình Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Đình Hàng Kênh có tới 368 bức chạm khắc (chạm lộng) lớn nhỏ được ghép thành các mảng lớn trong đình (bên trong 252 bức, bên ngoài 116 bức). Tương tự như trong các ngôi đình nổi tiếng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, các bức chạm tại đây được thể hiện trên các thành phần kiến trúc gỗ như đầu dư, xà, bẩy, trên hệ thống cửa võng. Các bức chạm có thể phân thành từng lớp với nội dung khác nhau, hoặc đan xen nhau, lấy hình tượng rồng làm chủ đạo…Nội dung của các bức chạm miêu tả chủ yếu về cảnh tự nhiên.

Hình tượng ổ rồng được chạm khắc tinh xảo lưu giữ tại đình Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Tại đây có vô số các chạm khắc từ các loài Tứ Linh như: Long, ly, quy, phụng, đến các loài vật gần gũi với người như chim, ngựa…, Tứ quý, hoa lá hình đao mác dạng lượn sóng hoặc vân xoắn cuộn. Rồng là linh vật được chạm khắc nhiều với gần 400 con trong 156 bức chạm khắc. Hình tượng chủ yếu: “Đầu rồng”, “Ổ rồng”, “Lưỡng long chầu nguyệt “…theo phong cách thời Hậu Lê.

Ban Thờ Đức Ngô Vương Quyền tại Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng).

Tòa Tiền đường tại Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng).

Ngoài ra, đình Hàng Kênh còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị như: tượng thờ Ngô Vương Quyền, tượng phỗng (niên đại cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, đặt trong Hậu cung), tượng voi và ngựa (niên đại khoảng thế kỷ 19, đặt tại Tiền đường); sắc phong (từ thời Hậu Lê đến cuối thời Nguyễn), đại tự, án thư, lư hương, hoành phi, sắc phong, kiệu thờ, cửa võng, chuông đồng, khánh đồng, voi và ngựa gỗ… Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý: văn bia ghi tên tuổi những người của làng đỗ đạt từ 1460 đến 1693.

Nghi môn gồm 3 cổng, 1 cổng chính 2 cổng ngách tại đình Hàng Kênh, (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Đặc biệt, trong các mảng chạm khắc hình ảnh hàng trăm con rồng mang những dáng vẻ, tư thế khác nhau. Có khi thì tạc theo từng ổ, có khi lại là rồng mẹ quấn quýt bên rồng con giữa rừng hoa lá, cỏ cây. Theo các nhà sử học, hiếm có nơi nào mà các nghệ nhân lại sử dụng lối “bông hình” để chạm khắc nên những tuyệt tác như ở đình Hàng Kênh.

Ngoài nét đặc sắc trong kiến trúc, đình Hàng Kênh còn có giá trị cao về mặt điêu khắc. Nhờ những đôi bàn tay khéo léo, khả năng sáng tạo của các nghệ nhân mà những nét điêu khắc tinh xảo, giao thoa giữa phong cách nghệ thuật thời Lê và thời Nguyễn.

Đình Hàng Kênh gắn bó với quá trình phát triển của dân tộc, là nơi lưu giữ lại những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và hiện đang là nơi sinh hoạt tâm linh thường xuyên của người dân Hải Phòng cũng như du khách thập phương.

Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo

This post was last modified on Tháng Một 5, 2024 5:02 chiều

Trần Hoàng Oanh

Hoàng Oanh, một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu và chia sẻ về đồ cúng và các tục lệ cúng tại Việt Nam, đã tạo nên một trang web độc đáo và phong cách riêng biệt để chia sẻ kiến thức sâu sắc về các traditio trong văn hóa dân dụ Việt Nam. Trang web của Hoàng Oanh không chỉ là nơi cung cấp thông tin mà còn là không gian tương tác, thảo luận, và hỗ trợ cho những người quan tâm đến lĩnh vực này.

Published by

Bài đăng mới nhất

Gợi ý mâm cúng đầy tháng bé gái chi tiết cho cả 3 miền

Lễ cúng đầy tháng bé gái là dịp để cả gia đình tạ ơn và…

3 giờ ago

Văn khấn lễ tất niên tại cơ quan, công ty, cửa hàng chuẩn nhất theo truyền thống Việt Nam

Cúng tất niên năm mới: Lựa chọn thời gian phù hợp Ngày Tất niên trong…

2 ngày ago

Thọ cúng – Tại sao hương gãy đầu lại ‘độc’?

Trong tập tục thờ cúng của người Việt Nam, việc thắp hương là điều không…

2 ngày ago

Đồng Quê Việt: Đi Lễ Nhà Thờ Họ – Nét Đẹp Truyền Thống Gắn Kết Dòng Họ

Đi lễ nhà thờ họ không chỉ là một nghi lễ truyền thống của người…

2 ngày ago

Có nên đặt tiền thật lên ban thờ không? Tiền thật giúp thu hút tài lộc, giàu sang phát đạt hay là đại kỵ?

Tuần rằm lễ lạt người Việt ngày càng chú trọng thờ cúng tổ tiên, thần…

2 ngày ago

10 Loại Hoa Đẹp Nhưng Không Nên Dùng để Thắp Hương

Trong tín ngưỡng phong thủy và thờ cúng, những loại hoa được chọn để thắp…

3 ngày ago