Categories: Mâm cúng

Văn khấn rằm tháng Chạp, mâm cúng và những điều kiêng kỵ

Published by

VOH – Rằm tháng Chạp là một trong ba lễ cúng quan trọng nhất tháng 12 Âm lịch. Đây là lễ cúng tổng kết một năm, xua điều rủi, cầu may mắn, an lành và tưởng nhớ tổ tiên, tạ ơn thần linh.

Tháng 12 Âm lịch là khoảng thời gian quan trọng và có rất nhiều ý nghĩa đối với người Việt Nam. Cho nên lễ cúng mùng 1 đặc biệt là cúng rằm tháng Chạp thường được thực hiện long trọng hơn bình thường. Việc chuẩn bị mâm cúng, văn khấn cũng được các gia đình chuẩn bị rất chỉn chu, tươm tất.

Rằm tháng Chạp là gì, rơi vào ngày nào?

Rằm hay còn được gọi là ngày Vọng là ngày 15 Âm lịch hàng tháng. Tháng Chạp là cách gọi khác của tháng 12 nhưng chỉ dành cho lịch Âm. Như vậy, rằm tháng Chạp chính là ngày 15/12 Âm lịch.

Theo truyền thống, vào ngày này các gia đình sẽ làm lễ cúng tổ tiên, thần linh. Vì rằm tháng Chạp diễn ra vào thời điểm quan trọng và được xem là lễ cúng tổng kết cho một năm, là bước chuẩn bị cho năm mới nên rất được chú trọng. 

Theo lịch vạn niên, ngày rằm tháng Chạp năm Quý Mão, tức ngày 15/12 Âm lịch, rơi vào thứ Năm ngày 25/1/2024 Dương lịch.

Mâm cúng rằm tháng Chạp có gì?

Rằm tháng Chạp cúng gì là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, tùy theo tập tục của từng địa phương, truyền thống của từng gia đình mà việc sắm sửa, bày biện lễ vật cúng sẽ khác nhau. Bạn có thể tham khảo những gợi ý chung về mâm cúng rằm tháng Chạp để chuẩn bị.

Chuẩn bị mâm cúng rằm tháng Chạp tươm tất là một cách thể hiện lòng thành của gia chủ – Ảnh: Nhà hàng Bể cá 

Về cơ bản, lễ cúng rằm tháng Chạp có thể là mâm cỗ chay, mâm cỗ mặn hoặc cả hai.

Mâm cỗ chay gồm:

  • Nến hoặc đèn
  • Hương
  • Nước sạch
  • Trầu cau
  • Trái cây
  • Hoa tươi

Mâm cỗ mặn gồm:

  • Gà trống luộc
  • Xôi đỗ/xôi gấc/bánh chưng
  • Nem rán
  • Giò/chả
  • Món xào (thịt bò xào, lòng gà xào…)
  • Món canh (canh măng miến…)
  • Rượu và một số món mặn khác

Tùy vào phong tục, điều kiện, quan điểm, tín ngưỡng, địa điểm thực hiện mà các gia đình có thể lên thực đơn cho mâm cơm cúng rằm tháng Chạp. Không cần quá cầu kỳ nhưng cần chuẩn bị tươm tất, chu đáo và quan trọng nhất là gia chủ phải thành tâm, thành ý. 

Nên cúng rằm tháng Chạp vào ngày nào?

Làm lễ cúng rằm tháng Chạp vào ngày nào là tốt nhất? Thực tế, chúng ta không có quy định cụ thể nhưng theo truyền thống người Việt Nam thường cúng vào ngày 15 tháng Chạp.

Nhiều người cho rằng, không nên làm lễ cúng quá sớm hay quá muộn. Nếu công việc bận rộn, gia đình không sắp xếp cúng được đúng ngày thì có thể cúng vào ngày 14 tháng Chạp. Nên cúng vào ban ngày hoặc chiều tối, trước khi trời tối. Không nên làm lễ  quá khuya.  

Ai là người thực hiện lễ cúng rằm tháng Chạp?

Người lớn tuổi nhất, trưởng nam, trưởng nữ, người có uy tín trong nhà thường là những người trực tiếp làm lễ cúng rằm tháng Chạp. Trước đó, người làm lễ cần tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo lịch sự, đầu tóc gọn gàng và thể hiện sự trang nghiêm, trịnh trọng với nghi lễ.

Xem thêm:

Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là “tháng củ mật”?

Tổng hợp các ngày lễ, sự kiện và lịch nghỉ lễ, Tết năm 2024

33 bài thơ tháng 12 hay, chùm thơ về tháng Chạp cuối năm

Bài văn khấn cúng rằm tháng Chạp

Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị và bày biện mâm cúng, gia chủ sẽ tiến hành làm lễ. Dưới đây là hai bài văn khấn cúng rằm tháng Chạp được nhiều gia đình sử dụng khi cúng tại nhà. Lưu ý, gia chủ cần đọc văn khấn thần linh trước rồi mới tới văn khấn gia tiên.

Văn khấn rằm tháng Chạp cho thần linh

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông thần quân.

Con kính lạy ngài Bản gia Thổ địa Long mạch.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức tôn thần.

Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ, Tài thần.

Con kính lạy các tôn thần cai quản trong khu vực này.

Tín chủ con là:…… Ở tại:……

Hôm nay, ngày…… tháng…… năm……., gặp tiết rằm tháng Chạp, tín chủ con thành tâm sắm lễ hương hoa, trà quả, kim ngân, thắp nén hương thơm, dâng lên trước án, thành tâm kính mời: Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị đại vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long mạch tôn thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức chính thần, các vị tôn thần cai quản trong khu vực này.

Con cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con được cả nhà yên vui, công việc thuận lợi, tài lộc tăng tiến, tâm đạo được sáng suốt, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ trước án, cúi xin được các các ngài phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy).

Chuẩn bị trước văn khấn, lễ cúng ngày rằm tháng Chạp của bạn sẽ diễn ra suôn sẻ hơn – Ảnh: Internet

Văn khấn gia tiên ngày rằm tháng Chạp

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy tổ tiên, hiển khảo, hiển tỷ, chư vị hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng tổ khảo, tổ tỷ).

Tín chủ (chúng) con là:…… Ở tại:……

Hôm nay ngày…… tháng…… năm……, gặp tiết Rằm tháng Chạp, tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, thành tâm kính mời các ngài: Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội, ngoại họ… Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời chư vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho chúng con gia đình hòa thuận, sức khỏe dồi dào, công việc phát tài, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy).

Xem thêm:

Bàn thờ gia tiên ngày Tết – Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt

Tài lộc, may mắn bủa vây với 120 câu đối Tết ý nghĩa

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt

Một số điều kiêng kỵ trong rằm tháng Chạp và tháng Chạp

Người xưa có câu “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Trong ngày rằm tháng Chạp nói riêng và tháng Chạp nói chung, chúng ta cũng nên chú ý những điều này để có một tháng tốt lành.

Tránh cãi vã, gây gổ, xung đột

Tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm, tháng làm ăn. Khi con người bận rộn, căng thẳng, thì dễ trở nên nóng nảy dẫn đến mâu thuẫn, cãi cọ hay những hành động sai lầm. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến năm mới hay con đường tài lộc.

Ngoài ra, người xưa cũng quan niệm rằng tháng 12 Âm lịch ông bà tổ tiên về thăm con cháu, nếu gây gổ sẽ bị trách phạt. 

Kiêng nhặt tiền rơi

Theo dân gian, tháng Chạp là thời điểm nhiều gia đình tổ chức cúng bái, rải tiền thật để dẫn đường cho ma quỷ. Nếu nhặt tiền rơi thì sẽ dễ bị quấy rối. Tuy nhiên, chiếu theo quan niệm hiện đại, kiêng nhặt tiền ở đây có thể hiểu là không chiếm dụng tiền, tài sản của người đánh rơi.

Kiêng vay mượn

Tháng Chạp còn được gọi là tháng củ mật, cần phải cẩn thận trong mọi chuyện bao gồm cả tiền bạc. Người ta thường kiêng vay mượn, cố gắng trả hết các món nợ trong tháng này để tránh đen đủi, nợ nần từ năm cũ theo qua năm mới.

Ngoài ra, giáp Tết cũng là dịp cần sắm sửa, lo toan nhiều việc. Cho nên tránh vay hay cho mượn chính là hạn chế gây phiền phức cho người khác hay để giải quyết các công việc cá nhân.

Tránh làm đổ vỡ đồ đạc

Đổ vỡ đồ đạc được xem là điềm xui, tốn kém lại có thể gây thương tích nên cuối năm hay đầu năm, người ta đều cố gắng tránh điều này.

Trong ngày rằm tháng Chạp cũng như tháng Chạp, dân gian quan niệm nên tránh làm đổ vỡ đồ đạc – Ảnh: Internet

 Không để nhà cửa bừa bộn

Tương tự như tránh đổ vỡ, trong tháng Chạp chúng ta cũng cần tránh việc để nhà cửa quá bừa bộn. Dân gian quan niệm, nó sẽ ảnh hưởng đến vận may của gia chủ. Còn trong thời hiện đại, môi trường sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.

Chú ý sức khỏe,  việc đi lại

Những tháng cuối năm, công việc, hội họp, gặp mặt… nhiều nên mọi người cần cẩn trọng trong việc đi lại, tránh vội vàng, hấp tấp, không uống bia rượu khi tham gia giao thông. Sức khỏe trong tháng cuối năm cũng cần được lưu ý, không nên làm việc, tiệc tùng quá sức.

Với người Việt Nam, rằm tháng Chạp là ngày quan trọng, không chỉ có ý nghĩa tạ ơn thần linh, tưởng nhớ tổ tiên mà còn để chuẩn bị tống tiễn năm cũ, đón năm mới tốt lành. Vì vậy cúng rằm tháng Chạp ngày nào, chuẩn bị mâm lễ ra sao hay khấn cúng như thế nào, mỗi việc đều được hết sức lưu ý.

Với những thông tin do VOH Thường thức cung cấp, hy vọng các gia đình đã biết cách cúng rằm tháng Chạp cũng như chuẩn bị thật tươm tất, chu đáo cho lễ cúng quan trọng trong dịp cuối năm này!

This post was last modified on Tháng Ba 16, 2024 8:39 sáng

Trần Hoàng Oanh

Hoàng Oanh, một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu và chia sẻ về đồ cúng và các tục lệ cúng tại Việt Nam, đã tạo nên một trang web độc đáo và phong cách riêng biệt để chia sẻ kiến thức sâu sắc về các traditio trong văn hóa dân dụ Việt Nam. Trang web của Hoàng Oanh không chỉ là nơi cung cấp thông tin mà còn là không gian tương tác, thảo luận, và hỗ trợ cho những người quan tâm đến lĩnh vực này.

Published by

Bài đăng mới nhất

Gợi ý mâm cúng đầy tháng bé gái chi tiết cho cả 3 miền

Lễ cúng đầy tháng bé gái là dịp để cả gia đình tạ ơn và…

17 giờ ago

Văn khấn lễ tất niên tại cơ quan, công ty, cửa hàng chuẩn nhất theo truyền thống Việt Nam

Cúng tất niên năm mới: Lựa chọn thời gian phù hợp Ngày Tất niên trong…

3 ngày ago

Thọ cúng – Tại sao hương gãy đầu lại ‘độc’?

Trong tập tục thờ cúng của người Việt Nam, việc thắp hương là điều không…

3 ngày ago

Đồng Quê Việt: Đi Lễ Nhà Thờ Họ – Nét Đẹp Truyền Thống Gắn Kết Dòng Họ

Đi lễ nhà thờ họ không chỉ là một nghi lễ truyền thống của người…

3 ngày ago

Có nên đặt tiền thật lên ban thờ không? Tiền thật giúp thu hút tài lộc, giàu sang phát đạt hay là đại kỵ?

Tuần rằm lễ lạt người Việt ngày càng chú trọng thờ cúng tổ tiên, thần…

3 ngày ago

10 Loại Hoa Đẹp Nhưng Không Nên Dùng để Thắp Hương

Trong tín ngưỡng phong thủy và thờ cúng, những loại hoa được chọn để thắp…

3 ngày ago